Hướng đến Hội nghị khoa học Phục hồi chức năng toàn quốc 2025, xin cùng nhìn lại Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2023.
GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh Việt Nam có nhu cầu phục hồi chức năng cao do số người cao tuổi gia tăng, chiếm 11,9% dân số; người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên chiếm 7,06% dân số; mô hình bệnh tật thay đổi gia tăng số người cần phục hồi chức năng: tai nạn thương tích, tim mạch, đột quỵ, bệnh không lây nhiễm, tâm thần, COVID-19…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, đối với Việt Nam, công tác PHCN là vô cùng quan trọng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Lĩnh vực PHCN trong giai đoạn vừa qua đã có được những kết quả khả quan như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dần được hoàn thiện, Việt Nam đã có nhiều quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh, người cao tuổi, người khuyết tật… và các hướng dẫn chuyên môn về PHCN do Bộ Y tế ban hành dù có những khó khăn, thách thức trong việc kiện toàn mạng lưới PHCN về cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực.
“Với thực trạng như trên, công tác PHCN cần được tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Nhận định được những khó khăn, thách thức này, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050”
Theo PGS.TS. Trần Trọng Hải – Chủ tịch Hội PHCN Việt Nam: Quyết định này là cơ sở để Việt Nam có căn cứ pháp lý đầu tư phát triển PHCN trong thời gian tới với 2 quan điểm chỉ đạo là:
Một là: PHCN là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh; là dịch vụ y tế dành cho người khuyết tật và bất kỳ người dân nào có vấn đề sức khỏe, bị khiếm khuyết hoặc chấn thương cấp tính hoặc mãn tính, khiến hoạt động chức năng bị hạn chế, đảm bảo được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng để nâng cao sức khỏe, góp phần phát triển xã hội bền vững.
Hai là: Duy trì và phát triển mạng lưới PHCN phù hợp với quy hoạch hệ thống y tế, điều kiện kinh tế, xã hội và tiến tới ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Đồng thời, phát triển dịch vụ PHCN trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, người có công với cách mạng và PHCN dựa vào cộng đồng.
Như vậy, có thể khẳng định việc phát triển PHCN đã được Chính phủ, Bộ Y tế và các ngành liên quan của Việt Nam rất quan tâm, đầu tư để thúc đẩy PHCN thực sự trự giúp người bệnh, giúp họ có cuộc sống hòa nhập, chất lượng sống tốt hơn.
Hình: Tổ chức kỹ thuật Y tế Quốc tế Nhật Bản; Hiệp hội Vật lý trị liệu Nhật Bản; Hội PHCN Việt Nam và Hội Vật lý trị liệu Việt Nam bắt tay thật chặt khi ký kết bản ghi nhớ nhằm mục đích hợp tác trong lĩnh vực PHCN, đặc biệt là Vật lý trị liệu.